Lược thuật: Ngày Đầu Xuân Ất Tỵ 2025 với sự hiện diện của vị hoàng tử con Út của vua Bảo Đại

Hàng năm theo phong tục vào dịp Tết Nguyên Đán các gia đình đều làm lễ cúng tổ tiên tại nhà để tỏ lòng thành kính hằng mong các vị tiền nhân cùng con cháu đón một mùa xuân mới an khang, thịnh vượng… Để giữ gìn nét đẹp văn hóa “cây có cội, nước có nguồn” cho dù đi đâu hoặc ở bất cứ nơi đâu thì truyền thống ấy vẫn được các gia đình ở hải ngoại gìn giữ. Tuy nhiên, sau cơn đại hồng thủy 1975 người Việt phải tha phương tìm tự do và nhân quyền thật sự rồi sinh sống khắp mọi nơi trên thế giới. Thắm thoát gần ngót 50 năm (tháng 04/1975 – 04/2025) đến nay đã có 3 thế hệ sinh sôi nẩy nở nơi hải ngoại. Muốn lưu truyền cũng thật là khó vì lớp người lão niên đa phần đã quy tiên theo ông bà, lớp cao niên đã về hưu sống xa con cháu, lớp trung niên còn phải chật vật lo cho đời sống gia đình, lớp con trẻ thì nay đa phần là con lai nên muốn giữ nét đẹp ấy thì phải làm sao?! May thay, ở phương Tây nhờ có các chùa chiền là nơi:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông”

Đó là nơi để người con Phật đền tu tập, nương tựa tâm linh, bởi với tấm lòng từ bi cao cả quý Chư Tôn Đức đã đêm ngày cầu nguyện, đem lời Phật dạy truyền đạt đến hàng Phật tử.

Phật tử hàng tuần đến ngôi Lam tự
Cùng tu quên chuyện hơn thua ngoài đời
Tiếng chuông tỉnh thức vang vọng khắp nơi
Mùi trầm hương đốt thơm bay thấm dạ.

Thế đó, ngôi Già Lam Phổ Hiền tại Strasbourg cứ mỗi đầu năm của ngày Tết Nguyên Đán đều tổ chức lễ cúng Ông Bà Tổ Tiên dâng hương, hoa, bánh trái và Ni Sư trụ trì nói về ý nghĩa của tập tục này cho các thế hệ thanh niên hiểu rõ, nhắc nhở các cháu nên luôn nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của các bậc cha mẹ qua từng đời. Chính điều này đã nâng cao giá trị nhân văn, đạo đức trong lòng thế hệ trẻ mà cụ thể là các em gia đình Phật tử qua tu học về Phật pháp, tiếng Việt các em đã ý thức được lối sống tình nghĩa, luôn hướng thiện, phải biết hiếu thảo với cha mẹ hiện tiền cũng như ông bà đã khuất. Đó là sợi dây kết nối từ đời này sang đời khác:

” Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Uống nước nhớ nguồn”

Đặc biệt năm nay, chùa Phổ Hiền hân hạnh nghinh đón ông Patrick Édouard Bloch là con trai út của vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam_ Vua Bảo Đại. Ông cũng là người gốc Alsacien. Ông từng viết và xuất bản cuốn sách “Tu Dois l’Appeler Majesté ((Bạn Phải Gọi Ngài Là Bệ Hạ) kể về cuộc sống của mình từ thời tuổi thơ.

Ông rất hoan hỷ ngồi dự suốt buổi lễ xem các bô lão và các em quỳ lạy dâng bánh chưng, trái cây, bánh mức… xem múa Lân do nhóm Vu Ba biểu diễn. Ông còn tự tay làm hình con Rắn để tặng chùa. Quý báu thay!!!

Ông luôn nở nụ cười cởi mở thân thiện với tất cả mọi người. Theo suy nghĩ của tôi, chắc là ông rất hạnh phúc khi được gặp rất đông đồng hương Việt.

Ta chung một sắc da vàng
Hôm nay ngày Tết rộn ràng bên nhau
Cho dù ở tận trời Âu
Từ già đến trẻ ngày đầu Xuân vui

Strasbourg, 02/02/2025
Diệu Đạo_Phổ Hiền/Pháp