Rộng Lượng Khoan Dung

Tại tinh xá Kỳ Viên, sau 3 tháng hạ, tôn giả Xá Lợi Phất tạm biệt đức Phật để lên đường đi du hóa. Khi vừa ra khỏi cổng, thì có người đến thưa Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, tôn giả Xá Lợi Phất, vô cớ nhục mạ con, rồi bỏ đi với lý do đi giáo hóa, thực sự Xá lợi Phất không đi truyền bá Phật pháp.

Bấy giờ đức Phật cho gọi ngài Xá Lợi Phất trở lui và hỏi nguyên do có đúng như thế không. Tôn giả thưa: “Bạch Ðức Thế Tôn! Sau khi theo đức Thế Tôn học đạo, đến nay tuổi gần 80, con chưa bao giờ làm tổn hại sinh mạng kẻ khác, chẳng biết dối trá, chăm lo thăng tiến đạo nghiệp. Kể cả 40 năm qua, được vinh dự làm môn đệ của đức Thế Tôn. Dù nhiều lần được đức Thế Tôn khen ngợi, nhưng con chưa bao giờ tỏ ý kiêu mạn, coi thường người khác. Thế nên, con đâu dám nhục mạ ai.

Con thiết nghĩ: “Ðất luôn luôn nhận lãnh hết tất cả những sự dơ uế của thế gian. Con tự nguyện làm đất luôn luôn nhẫn nhịn tất cả những điều trái ý, không hạ nhục bất cứ ai. Dòng nước cuốn trôi, rửa sạch tất cả những vết dơ bẩn của trần gian. Con tự nguyện rửa sạch trần cấu cho mọi người. Cái chổi quét sạch hết tất cả rác rưởi không hề phân biệt con tự nguyện làm cái chổi quét sạch bụi trần của chúng sinh. Bấy lâu, con chưa hề khinh chê ai, chưa hề có ý niệm phân biệt, cố gắng không để tâm vọng động, thường an trú trong chánh niệm. Bởi thế, nếu con còn có lỗi lầm nào, xin các vị thương tưởng chỉ bảo, con xin thành tâm sám hối.

Ðể làm sáng tỏ vấn đề, cần có đủ mặt người vu oan và người bị tố, đức Phật liền họp hết thảy Tăng chúng đối chứng cho tỏ tường. Trước giáo đoàn, vị ấy đã nhận lỗi vì tỵ hiềm ganh ghét nên bày điều nói dối, giờ trong tâm rất hổ thẹn, xin Phật và tôn giả rộng lượng khoan dung bỏ qua.
Nhân đó, đức Thế Tôn dạy trong đời có hai hạng người mạnh nhất: “Chính là người không bao giờ tạo nên lỗi lầm, và hạng thứ hai là khi có lỗi thì liền sửa đổi không dám tái phạm.”

Cuộc sống do vì sự ganh tỵ hơn thua, nên có khi chúng ta bất chấp đó là ai, muốn hạ bệ họ bằng những lời nói chỉ trích vu khống miễn là thỏa mãn cơn bực bội của bản thân. Thế nhưng cuối cùng thì chính bản thân mình là người chịu phiền não nhiều hơn và lại là người đáng thương bởi khi sự thật phơi bày thì thanh danh của mình cũng bị mất đi.

Thầy Tàng Long