Lúc Trẻ, Về Già

 

LÚC TRẺ, VỀ GIÀ.

LÚC TRẺ cứ tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm,
VỀ GIÀ mới biết hạnh phúc chỉ đơn giản là những thứ bình dị xung quanh, có chăng là mình đã không nhận thấy. Người trẻ chỉ thấy hạnh phúc trong hôn nhân khi được sống bên người tình yêu mến, về già hạnh phúc đó lan tỏa đến con cháu qua một thứ không còn là tình yêu trai gái mà là tình ruột thịt, máu mủ.

LÚC TRẺ, phạm vi giao tiếp thường mở rộng, bạn bè giao thiệp rất đông. Đến lúc ở vào tuổi
VỀ HƯU bỗng thấy mình cô đơn vì cuộc sống thu hẹp và người già thường “ẩn mình” trong phạm vi gia đình.

LÚC TRẺ tưởng “nói quên là có thể quên được”,
VỀ GIÀ mới biết có những chuyện càng muốn quên thì nó lại càng ở mãi trong lòng. Điều này cho thấy người lớn tuổi hướng về cuộc sống “nội tâm” trong khi người trẻ giữa cuộc sống tất bật ngoài xã hội, luôn… “hướng ngoại”.

LÚC TRẺ, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm vì chung quanh toàn là người,
VỀ GIÀ mới hiểu những giây phút bên người thân quả là một sự ấm áp nhưng lại rất mong manh, trong khi đó, “nỗi cô đơn luôn ở bên cạnh”.

Cũng vì thế cho nên LÚC TRẺ cứ tưởng việc đóng một cây đinh vào tường thật đơn giản vì không thích thì có thể nhổ đi.
VỀ GIÀ mới thấy: đinh có thể nhổ, nhưng vết lõm trên tường vẫn còn đó.

LÚC TRẺ cứ tưởng tình yêu luôn dựa theo nguyên tắc “bình đẳng” qua triết lý “yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại”.
VỀ GIÀ mới chợt nhận ra bài học kinh nghiệm đầy hi hiến của tình yêu:“ Có những yêu thương chỉ cho đi mà không hề nhận lại bao giờ ”.

Thầy Thích Tánh Tuệ