(Đại Hội Tăng Già ThếGiới-The World Buddhist Sangha Council – WBSC)
Kính bạch quý Chư Tôn Đức
Kính thưa quý Phật tử và Đạo hữu tại Pháp, Đức và các nước khác tại Âu châu.
Là những người con của Phật, là những Phật tử luôn theo dõi những bước chân hoằng pháp của quý Chư Tôn Đức khả kính mà chúng ta hoặc nghe danh, hoặc được trực tiếp lắng nghe những giáo pháp, huấn từ của quý Ngài. Hôm nay, tôi xin mạn phép copie lại bài tường thuật và những hình ảnh mà quý Chư Tôn Đức trên thế giới đã và đang luôn quan tâm đến sự bảo tồn và phát triển giáo lý Phật Đà trên toàn cầu. Nhất là trong một xã hội tân tiến hiện nay thì các tôn giáo đều không được giới trẻ quan tâm hay chú trọng nhiều. Thuyết hiện sinh đã khiến cho họ như dần quên mất tâm linh của mình, họ chú trọng hướng ngoại hơn là hướng nội, có lối sống suy nghĩ cho cá nhân hơn là cho mọi người xung quanh. Và đó cũng là niềm suy tư, trăn trở của quý chư tôn đức làm cách nào để trở thành một khối thống nhất giữa Tăng Già để đẩy mạnh hoằng dương chánh Pháp, giữa Tăng Già và Phật tử đều có chung một lý tưởng đem Đạo vào Đời, chống lại những bất công, áp bức hầu mong đem lại sự tự do và hòa bình cho thế giới. Đó là lý do mà Hội đồng Tăng Già thế giới đã mở ra Đại Hội tại Penang/ Mã Lai- Là một hòn đảo của một nước được thế giới biết đến với tên gọi là HÒN NGỌC PHƯƠNG ĐÔNG.
Xin mời quý vị đọc chi tiết ở bài tường thuật của TKN Thích Nữ Chúc Hiếu và bài tham luận của HTT Như Điển sau đây.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma ha Tát
TƯỜNG THUẬT ĐẠI HỘI KHOÁNG ĐẠI KỲ 10 CỦA HỘI ĐỒNG PHẬT GIÁO TĂNG GIÀ THẾ GIỚI
Thích Chúc Hiếu
Penang – hòn đảo xinh đẹp đậm đà nét văn hóa độc đáo của đất nước Malaysia (Mã Lai), một trong những điểm đến lý tưởng nhất trên thế giới trong những ngày này đã đón tiếp hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử từ các châu lục gồm 30 quốc gia về tham dự Đại Hội Tăng Già Phật Giáo Thế Giới (The World Buddhist Sangha Council – WBSC) lần thứ 10. Khách sạn Equatorial là địa điểm chính, nơi diễn ra suốt kỳ đại hội lần này từ ngày 10 đến 15.11.2018.
Được biết, Hội Đồng Tăng Già Phật Giáo Thế Giới (The World Buddhist Sangha Council, WBSC) được thành lập vào tháng 5 năm 1966 tại Thủ đô Colombo, Tích Lan (do công của Hòa Thượng Trưởng lão Sri Prajnasekara Mahanayaka, người Tích Lan), HT Thích Tâm Châu (Việt Nam). HT Thích Bạch Thánh (Đài Loan) và HT Thích Giác Quang (Hồng Kông) đã khởi xướng và làm chủ tịch trong nhiều nhiệm kỳ với 4 chủ trương như sau :
– Khuyến khích siết chặt tình hữu nghị giữa Tăng già (Promoting better relationship amongst the Sangha)
– Đẩy mạnh các hoạt động hoằng dương Chánh Pháp (Promoting Dhammadutha activities)
– Tăng thêm tình hữu nghị giữa hàng Tăng sĩ xuất gia và Phật tử tại gia (Promoting a cordial relationship between the laity and Sangha)
– Tán thành, ủng hộ mọi hoạt động về tự do và hòa bình cho thế giới qua đóng góp của Tăng già (Upholding of freedom and peace in the World through the Sangha).
9:00 AM ngày 10.11.2018 (theo giờ đại phương) đã chính thức diễn ra lễ khai mạc đại hội với lời phát biểu chào mừng của Hòa Thượng Thích Nhật Hằng, Hội trưởng Hội Phật giáo Mã Lai kiêm trưởng ban tổ chức của nước sở tại gởi đến toàn thể đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới.
Tiếp đó, Đại hội lắng nghe sự tán dương của Hòa Thượng Liao Chung (Liễu Trung, Đài Loan), Chủ tịch Hội đồng Phật Giáo Tăng Già Thế Giới đến các thành viên trong thời gian qua đã đóng góp rất nhiều cho Hội.
Đại hội cũng hân hạnh được đón tiếp ông Chow Kon Yeow (Tào Quang Hữu), Bộ trưởng thuộc chính quyền thủ phủ bang Penang và phái đoàn chính phủ về tham dự lễ khai mạc. Đặc biệt ông nhấn mạnh sự cởi mở của thành phố Penang, tuy nơi đây được xem là nơi đa tôn giáo (Phật giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Lão giáo…) nhưng cùng sống chung hài hòa với nhau tạo nên nét đặc sắc riêng cho thành phố mà tổ chức Di Sản Văn Hóa Thế Giới (Unesco) đã công nhận nơi này là di sản văn hóa của nhân loại. Xen lẫn chương trình còn có sự góp mặt của các văn nghệ sĩ biểu diễn những tiết mục mang đậm nét văn hóa của Mã Lai và các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc,.. Đặc biệt hơn là màn thể hiện nhạc cụ trống, múa Rồng của các em phụng sự viên đã tạo nên một trong những điểm nhấn cho chương trình khai mạc.
Kỳ đại hội này, đại diện các phái đoàn Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải ngoài có Hòa thượng Thích Như Điển (Đức quốc), Thượng tọa Thích Phước Ân (Tân Tây Lan), Thượng tọa Thích Thiện Tâm, Thượng tọa Thích Phước Tấn, Thượng tọa Thích Linh Tấn (Úc châu), Thượng tọa Thích Hạnh Bảo (Phần Lan), Đại đức Thích Pháp Trú (Đan Mạch), Ni trưởng Thích Diệu Phước (Đức quốc) và quý Sư cô tháp tùng.
Sau lễ khai mạc là lễ cúng dường Thiên Tăng Hội do Hòa thượng Nhật Hằng cùng các tín đồ Phật tử Penang dâng cúng. Lời kinh trầm hùng của hai truyền thống Bắc truyền và Nam truyền được cất lên trong hội trường hơn 1000 Tăng, Ni và Phật tử tham dự đã khiến cho đại sảnh của khách sạn Equatorial trở nên trầm lắng, thiêng liêng và đầy hương vị giải thoát.
Buổi chiều cùng ngày, đầu tiên trong chương trình nghị sự của Đại hội là phần trình bày của Hòa thượng Huệ Hùng(Singapore), Tổng Thư ký Hoa Văn đã tường trình về họat động Phật sự của Hội trên thế giới trong vòng 2 năm qua. Tiếp đến là phần đại diện của các phái đoàn Phật giáo đọc báo cáo và tham luận cũng như bàn thảo chương trình hoạt động Phật sự cho nhiệm kỳ 4 năm của Hội. Đại hội đã lắng nghe các bài tham luận của các đại biểu từ Hoa kỳ, Pháp, Anh, Úc, Tân Tây Lan, Hồng Kông, Nepal, Thái Lan… trong đó đặc biệt có bài tham luận của Hòa Thượng Bodagoda Chandima Thera, đến từ Tích Lan. Ngài trình bày và giới thiệu trường Đại học Phật giáo quốc tế Nagananda (Long Hỷ) được thành lập tại Tích Lan và là trường Phật học quốc tế thứ 10 trên thế giới. Mục đích hướng đến là đào tạo những nhà lãnh đạo tâm linh hàng đầu đem đến sự an bình cho xã hội trong khuynh hướng toàn cầu hóa ở thời đại hiện nay. Về phía phái đoàn Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải ngoại, đại diện là Hòa thượng Thích Như Điển cũng trình bày tóm lược về hoạt động của GHPGVNTN tại Âu châu.
Sang đến ngày 12.11.2018, các thành viên tiếp tục nhóm họp và chương trình diễn ra hội thảo phiên thứ 2 và phiên thứ 3 gồm 4 khoáng đại. Trong đó, có những bài tham luận đến từ Tích Lan, Đại Hàn, Singapore, Đài Loan, Tân Tây Lan, Macao, Hoa Kỳ, Úc châu và Ấn Độ. Phái đoàn Tân Tây Lan do Thượng tọa Thích Phước Ân đề nghị họp Đại hội Ban chấp hành lần 1 của khóa 10 tại Quan Âm Sơn. Đồng thời, đại diện của Macao cũng xin được đăng cai tổ chức. Nhưng phần quyết định sẽ được Ban điều hành tuyên bố sau.
Tiếp đến, phái đoàn Hoa Kỳ, Úc châu, Đài Loan và Ấn Độ cũng có những đề nghị thiết thực về vấn đề phát triển cho Hội đồng Tăng già Thế giới bây giờ và mai hậu.
Phiên họp cuối cùng trong ngày đã bầu ra Ban chấp hành mới nhiệm kỳ 4 năm (2018-2022) gồm có những vị trưởng lão cũ và bầu thêm một số phó chủ tịch cũng như một số ban ngành khác. Hòa thượng Liễu Trung vẫn tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Tăng già thế giới mặc dầu tuổi của Ngài đã cao (87 tuổi) nhưng với lời thỉnh cầu của các thành viên, Ngài đã hứa khả và hoan hỷ. Về phía Việt Nam những Hòa thượng, Thượng tọa được cung thỉnh vào chức vụ phó chủ tịch gồm : HT Phương trượng Thích Như Điển (Đức quốc), HT Thích Trí Huệ (Hoa Kỳ), TT Thích Phước Ân (Tân Tây Lan), TT Thích Phước Tấn (Úc châu).
Hòa thượng Huệ Hùng, Tổng Thư Kí Hoa Văn đã tuyên đọc lại biên bản các phiên khoáng đại cũng như bầu cử Ban chấp hành mới đã được trên 300 Tăng, Ni khắp 5 châu lục niệm Phật tán thành. Đồng thời, cầu nguyện cho Ngài Hội trưởng sức khỏe miên trường và hoạt động của Tăng già Thế giới ngày một phát triển, đi vào hoàn thiện.
Chư Tăng Ni khắp nơi trên thế giới cũng đã đóng góp phần mình vào công việc chung này bằng cách cúng dường hay đóng tiền lệ phí gia nhập làm hội viên chính thức. Điều này nói lên sự chia xẻ trách nhiệm công việc chung về sự phát triển của Hội đồng Tăng già thế giới.
Đài truyền hình VietFace TV từ Úc châu cũng đã phỏng vấn chư tôn trưởng lão trong kỳ lần đại hội này và HT Thích Như Điển tại Penang cũng đã trả lời phỏng vấn của đài một cách linh hoạt về mọi phương diện sinh hoạt của Hội.
Ngày cuối cùng của hội nghị là phiên bế mạc vào lúc 9:00 AM ngày 13.11.2018 tại đại sảnh của Equatorial Hotel đã diễn ra rất trang nghiêm, trọng thể. HT Huệ Hùng, Tổng Thư ký Hoa văn đã tuyên đọc tuyên ngôn của đại hội khoáng đại kỳ 10. Ngài nhấn mạnh những điểm từ bi, trí tuệ cũng như hòa bình của nhân loại trên toàn thế giới. Giáo lý của đức Phật chắc chắn sẽ đáp ứng đựơc điều đó mà Tăng già sẽ là hình ảnh để xiển dương chánh pháp. Sau đó, HT Nhật Hằng, trưởng Ban tổ chức đại hội kỳ này rất cảm động khi nói lên những lời bế mạc chân tình. Mặc dầu, khá mệt mõi trong những ngày qua nhưng HT cũng rất hoan hỷ bởi vì Tăng già đã có sự hòa hợp, không phân biệt về truyền thống, ngôn ngữ cũng như tập quán khác nhau. Họ đã về đây với tư cách là người con của đức Phật sống chung trong tinh thần lục hòa cộng trụ.
Đến phần phát biểu cảm từ của Ngài Trưởng lão Liễu Trung nhân lần bế mạc này; Ngài tán dương công đức của HT Nhật Hằng và HT Hiền Quán, phương trượng chùa Cực Lạc cũng như Hội Phật giáo Mã Lai đã bỏ ra nhiều công sức để lo tổ chức cho không những chỉ khoáng đại kỳ này, mà lần thứ 6 và lần thứ 8 cũng đã được Hội Phật giáo Mã Lai đăng cai tổ chức thành tựu một cách viên mãn. Cuối cùng, HT Hiền Quán đã nói lên những cảm tưởng chân thành đại diện cho chùa Cực Lạc nói riêng cũng như Tăng tín đồ Phật giáo Mã Lai đã hết mình hỗ trợ nên công việc này mới thành tựu được như thế.
Trước khi kết thúc chương trình là phần tặng quà lưu niệm của các đại biểu khắp nơi trên thế giới trao đến Ngài trưởng lão HT Liễu Trung, HT Nhật Hằng, HT Tổng Thư Ký Anh Văn và HT Tổng Thư Ký Hoa Văn. Phái đoàn chư Tăng Ni Phật giáo Việt Nam hải ngoại cùng chụp hình chung với HT chủ tịch để ghi nhớ những ngày hội trọng đại này.
Rồi đây, mỗi người sẽ về lại trụ xứ của mình, kỳ đại lần thứ 10 chính thức kết thúc nhưng chắc hẳn những hình ảnh đẹp của kỳ đại hội vẫn còn mãi trong tâm cảm của mọi người. Tạm biệt Penang, tạm biệt “Hòn Ngọc Phương Đông”, giống như tên hiệu mà tự điển Wikipedia đã đặt tên cho nó.
Bài tham luận đọc tại Đại Hội Tăng Già Thế Giới (WBSC) họp tại Penang Malaysia từ ngày 10 đến ngày 15.11.2018
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Âu Châu
Hoà Thượng Thích Như Điển
Người Việt Nam có mặt đông nhất tại Âu Châu bắt đầu từ sau năm 1975 và có thể kể đến các nước như : Nga, Pháp, Đức, Anh v.v… hiện tại của năm 2018 nầy nếu chúng tôi không lầm thì tại Âu Châu có chừng gần 1 triệu ngườitrong số trên 3 triệu người Việt Nam hiện đang có mặt trên thế giới. Trong đó đa số là Phật Tử. Do vậy khi đến bất cứ một đất nước nào để tỵ nạn hay làm việc, chư Tăng Ni và Phật Tử thường hay tìm một nơi chốn để làm Niệm Phật Đường hay chùa Viện để có nơi tu học và thực hành những nghi lễ cần thiết như đám tang, đám cưới và nghe thuyết giảng v.v…
Riêng tại Âu Châu nầy số lượng chùa viện của người Phật Tử Việt Nam hiện nay cũng đã xây dựng hay thuê mướn lên đến hơn 100 ngôi cả lớn lẫn nhỏ, so với gần 1.000 ngôi chùa của người Việt hiện có mặt khắp nơi trên thế giới. Nhiệm vụ của người Việt Phật Tử rất rõ ràng và chia ra làm hai phần như sau :
Thứ nhất là hội nhập vào văn hoá, Tôn Giáo, đời sống thực tiễn tại nơi mình cư ngụ và thứ hai là bảo tồn cũng như phát huy văn hoá và Tôn Giáo của mình nơi xứ người. Chỉ hai phạm trù nầy thôi cũng đã là một gánh nặng không ít đối với chư Tăng Ni và Phật Tử rồi. Điều đầu tiên là họ phải học ngôn ngữ địa phương để hội nhập và việc thứ hai là làm sao cho người bản xứ cũng hiểu được thế nào là Phật Giáo để từ đó họ dễ dàng hoạt động cũng như sinh sống tại các xứ sở nầy.
Cá nhân chúng tôi từ Việt Nam sang Nhật Bản du học từ năm 1972 và năm 1977 đã sang sống tỵ nạn Tôn Giáo tại Đức Quốc từ đó đến nay cũng đã hơn 40 năm rồi; nên với chúng tôi việc khó khăn nhất trong hiện tại là làm sao duy trì được Phật Giáo truyền thống hay Phật Giáo cải cách tại những xứ sở nầy. Bởi lẽ thế hệ thứ hai, thứ ba sẽ có ít người đi xuất gia nữa, mà phải gầy dựng giáo lý Phật Đà cho những người bản xứ thì may đâu ngày sau sẽ không sợ những ngôi chùa Việt Nam đã, đương và sẽ xây dựng sẽ không đi vào vết xe đổ nát của những người Trung Hoa tại Hoa Kỳ sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 vừa qua. Vì lẽ những ngôi chùa mà người Hoa xây dựng thưở ấy, nay đã không còn nữa.
Hiện tượng những người Âu Châu bỏ đạo Thiên Chúa hay Tin Lành rất nhiều và không nhất thiết là họ sẽ đến liền với Phật Giáo. Vì vậy đây là khoảng trống tâm linh mà chúng ta những người lãnh đạo tinh thần nên nhắm vào đó để xoa diụ và giúp đỡ họ. Tôi thiết nghĩ rằng Phật Giáo không phải là không thể thực hiện được điều đó, mặc dầu chúng ta không có cơ quan truyền giáo như những Đạo khác tại đây. Tôn Giáo ngày hôm nay phải là tôn giáo của Từ Bi và Trí Tuệ, nhằm hướng nhân tâm đi vào con đường giải thoát một cách tích cực và rõ ràng hơn. Nếu không, chúng ta cũng sẽ không khác những Tôn Giáo khác là bao nhiêu.
Tại Đức ngày hôm nay đã có hằng trăm trung tâm tu học của người Đức và do chính những người Đức Cư Sĩ hay Tăng Sĩ hướng dẫn. Đồng thời những Đại Học lớn tại đây cũng đều có những phân khoa Phật Học hay Tôn Giáo Học, giúp cho Sinh Viên có thể dễ dàng chọn môn học thích hợp của mình và một tin vui nữa là : Hiện có hơn 10 triệu người Đức không ăn thịt và những món chay làm từ đậu nành đang được phổ biến rất nhiều tại xứ nầy. Tuy họ chưa hẳn đã là những người Phật Tử; nhưng nếu chúng ta khéo léo kết hợp giáo lý Từ Bi của Đạo Phật vào việc nầy thì Phật Giáo sẽ dễ dàng hội nhập vào xã hội Đức hay các xã hội Tây Phương một cách nhanh chóng và giúp cho họ có một hướng đi đích thực hướng đến dời sống tâm linh của mỗi người.
Cố Hoà Thượng Thích Tâm Châu, cố Hòa Thượng Thích Huyền Vi, Cố Hoà Thượng Thích Thiền Định, Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, cố Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh vốn là những vị Phó Chủ Tịch của Hội Đồng Tăng Già Thế Giới và cũng là những kiến trúc sư vĩ đại cho Phật Giáo Việt Nam nói riêng và Phật Giáo Âu Châu hiện tại ngày nay.
Kính chúc Đại Hội được thành công viên mãn và không quên hướng về Âu Châu để trợ duyên cho những Phật sự đang phát triển tại đây.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.