(Hình chụp: Thầy Pháp Quang cùng hai huynh trưởng Nguyên Hòa và Thị Trực với hai hiền thê và Diệu Đạo)
Một niềm hạnh phúc thật lớn trong ngày đại lễ Vu Lan đối với đơn vị GĐPT Phổ Hiền chúng tôi là sự hiện diện của hai huynh trưởng cùng hai hiền thê đến từ Thụy Sĩ. Đó là anh Nguyên Hòa trưởng ban hướng dẫn và anh Thị Trực trưởng ban giáo dục-tu thư của GĐPTVNAC.
Lúc vừa nhìn thấy Htr Thị Trực tôi vội làm dấu để chào hỏi, anh ấy không nhận ra DĐ tôi, theo chia sẻ thì anh nói nhìn chị khác lạ quá trong bộ đồ nâu, tóc cột cao khi làm công quả dưới bếp, có lẽ sau mấy ngày thức khuya dậy sớm để phụ Sư Cô trưởng ban trai soạn và các ACE Phật tử chuẩn bị thức ăn, bánh trái để phát hành trong ngày đại lễ Vu Lan cùng những bữa cơm chay thật ngon cho quý Phật tử đến tham dự hai ngày Tu Bát Quan Trai, vì vậy khi nhìn thấy tôi trong hình dạng đầu bù tóc rối, mặt mũi hốc hác lắm cho nên hai anh trong vài giây đầu không nhận ra tôi (hihi…)
Sau phần nghi lễ Vu Lan Báo Hiếu chấm dứt thì Htr Nguyên Đức phải lo cúng dường trai tăng và mời quý chư tôn đức ngọ trai cũng như chuẩn bị văn nghệ bên ngoài sân chùa. Còn Diệu Đạo tôi được tiếp chuyện với Thầy Pháp Quang đến từ chùa Vạn Hạnh/Đan Mạch, Thầy nguyên là Đại Đức giảng sư của anh chị em huynh trưởng Âu châu chúng tôi trên Paltalk. Cơ duyên hiếm có để được nghe Thầy và hai bảo huynh chia sẻ về những kinh nghiệm, suy nghĩ về hướng phát triển GĐPT trong tương lai. Nỗi lo lắng chung của chúng tôi là sự truyền trao và tiếp nối "nghề" huynh trưởng ở mỗi đơn vị nói riêng và châu Âu nói chung sẽ bị đứt khúc bởi tuổi đời ngày một về chiều, sức khỏe yếu dần mà các em như những cánh chim sau thời gian đi sinh hoạt tương đối dài (từ lứa 6 tuổi đến lúc đậu tú tài) thì các em phải đi học đại học hoặc đi làm, chưa kể là đi học, đi làm xa… nên không thưởng xuyên đến chùa được, năng lượng ace chúng tôi trao cho nhau chính là TÌNH THƯƠNG VÔ BỜ đến đàn em trẻ nên dù thế nào cũng phải cố gắng tiếp tục làm người lái đò trên con sông đời. Thầy và ace chúng tôi cùng chia sẻ những kinh nghiệm hướng dẫn Phật pháp, cách sinh hoạt, cách giữ gìn sức khỏe… mà mục đích cuối cùng là làm sao cho các em khi lớn lên dù có đi học, đi làm bất cứ nơi đâu thì hạt giống Bồ Đề vẫn còn nằm trong trái tim của các em, khi hữu duyên sẽ nẩy mầm và tiếp tục phát triển theo đường lối mà GĐPTVN đã đề ra và xem đó là SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ ĐỐI VỚI ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC
Mỗi đơn vị gia đình
Khi có thêm oanh vũ
Trong vườn hoa Sen cũ
Được anh, chị ấp ủ
Vươn cao giữa ao lành
Cho đến khi trưởng thành
Trở nên người hữu dụng
Đem Đạo vào cuộc sống
Giúp ích cho mọi người
Nền giáo dục đời thường mang ý nghĩa tri thức và thực dụng phục vụ cho đời sống hiện thực. Giáo dục tôn giáo mang ý nghĩa đức tin và hành đạo phục vụ cho đời sống tâm linh. Hai cách giáo dục đều khác nhau nhưng lại cùng chung một mục đích là đào tạo một con người tốt có tính nhân bản; song giáo dục của đạo Phật thêm hơn ở chỗ là rèn luyện một nhân cách từ vô minh đến chỗ sáng suốt hiểu rõ mọi sự việc có tính trí tuệ dựa vào cơ bản của lòng từ bi, hỷ xả tiến đến giác ngộ cao theo mục tiêu giáo dục mà tổ chức GĐPTVNTN đề ra là nhằm đào tạo thế hệ trẻ thành những người công dân tốt của đất nước mình đang ở và là những Phật tử chân chính. Giáo dục là quá trình xây dựng thế hệ trẻ về cả 4 mặt: Khởi lòng từ bi, trau giồi trí tuệ, luyện ý chí dũng mãnh và giữ được tinh thần khiêm tốn nhẫn nhục. Sinh hoạt GĐPT ở Việt Nam thì hằng tuần, còn hai tuần một lần ở Âu châu. Qua đó, Ban Hướng Dẫn từ cấp Âu châu đến từng nước, từng đơn vị đều dựa vào sự cố vấn giáo hạnh của quý Chư Tôn Đức Tăng, Ni. Nhờ vậy, dù ở hải ngoại các đơn vị GĐPT đều chung một hệ thống tổ chức, sự hòa hợp từ quý Thầy, Cô cố vấn giáo hạnh đến các bác gia trưởng, các anh chị huynh trưởng và các cư sĩ thiện tri thức hỗ trợ.
Quan ngại của chúng tôi đối với tuổi trẻ trong thế kỷ 21 này là sự lung lay về mối quan hệ mật thiết giữa gia đình, dòng tộc, làng xóm… đang bị nền khoa học kỹ thuật, phương tiện truyền thông, giáo dục tân tiến chạy đua với nhau phát minh ngày thêm nhiều mới lạ trong nhiều lãnh vực. Các em như bị cuốn hút vào và ảnh hưởng sinh ra phân tâm giữa Xưa và Nay, giữa Cũ và Mới; và các đoàn sinh GĐPT cũng không ngoại lệ. Nếu muốn vượt qua cần sự giáo dục, phân tích của ace huynh trưởng, chúng ta tránh cho các em không bị bâng khuâng đứng giữa hai quan niệm sống như khi gặp ngã rẽ cần phải chọn lựa đúng hướng đi tốt nhất. Mục đích của GĐPT không chủ yếu theo trình độ học vị cao, chức tước, khoa bảng… mà căn bản là sự thành nhân, là một con người sống đơn giản, chân thật có lòng nhân hậu, tư cách ngay thẳng, có tinh thần cầu tiến, tinh tấn; cốt yếu là phải hiểu rõ mình trong mối tương quan giữa cá nhân, gia đình, dân tộc và đạo pháp để hòa hợp cuộc sống trong bất cứ trường hợp nào hầu tiến đến Giác Ngộ Vô Thường mà trong kinh Bát Đại Nhân Giác (Tám Điều Giác Ngộ) của bậc Đại Nhân mà chúng ta đã học. Xác định rõ ràng mục đích giáo dục trong GĐPT dựa trên nguyên tắc và tinh thần Bi, Trí, Dũng; cho các em hiểu và phát huy trong mọi hoàn cảnh và thời đại mới hiện nay. Muốn thành công trong việc giáo dục GĐPT thì người huynh trưởng chúng ta cần phải luôn gương mẫu, có đời sống lành mạnh trong sáng mà Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú:
Trước nhất tự luyện mình
Đạo hạnh thành chân chính
Sau mới giáo hóa người
Thân trí đồng tương kính
Sống là luôn học tập, trao giồi kiến thức; đào tạo thế hệ kế thừa cho đạo pháp và dân tộc để thay thế chúng ta khi tuổi già đến và rồi cũng sẽ vắng bóng theo luật tự nhiên. Đó là mối quan tâm lo ngại, là nỗi lòng của hầu hết ace huynh trưởng chúng tôi.
Một khoảng thời gian khoảng chừng hơn tiếng đồng hồ mà Thầy trò chúng tôi đã chia sẻ cho nhau nhiều vấn đề, kinh nghiệm thật quý báu với ý tưởng là làm sao cho tuổi trẻ chúng ta ngày càng độc lập, mạnh dạn, tích cực và chủ động hơn trong sinh hoạt GĐPT để đáp ứng kịp với tốc độ tiến bộ trong thực tế; đem sự hứng thú, sinh động và lôi cuốn tuổi trẻ hướng đến Phật, đến với GĐPT ngày càng đông hơn. Sự nghiệp lớn nhất của người huynh trưởng GĐPT là sự truyền thừa một giá trị cụ thể của Đạo Phật cho các em. Huynh trưởng chúng ta ngày nay đã già, chỉ còn lại một tấm lòng và một sự hy sinh cần thiết cởi bỏ những định kiến xưa hay chưa hiểu hết… để ngồi lại với nhau mà tìm ra phương pháp giáo dục thích hợp thời hiện đại nơi hải ngoại. Mặc dù nói thế, dù cố gắng hết khả năng mà đôi khi vẫn bị "lực bất tòng tâm" . Nhưng với trí tuệ Tam Bảo, ace huynh trưởng chúng ta hãy hy sinh hơn nữa về mọi mặt với tinh thần vì đàn em quên mình để cho GĐPT được phát triển mạnh mẽ trên đất khách hướng tâm hồn các em thuần Việt và luôn gần Tam Bảo. Muốn vậy, chúng ta cần phát Bồ Đề Tâm dũng mãnh hơn nữa để dấn thân trên con đường giáo dục thế hệ trẻ; Vì đó là trách nhiệm tuy đầy gian nan nhưng vô cùng cao cả của ace huynh trưởng chúng mình, thưa phải không ạ!
"Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ Tông"
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Diệu Đạo – Phổ Hiền
Vu Lan 2018 – PL 2562